Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh Doanh - ĐH Thái Nguyên

Sinh hoạt học thuật định kỳ Bộ môn Lý luận chính trị: “Nâng cao chất lượng dạy và học môn Kinh tế chính trị Mác – Lênin tại trường Đại học Kinh tế & QTKD”

 31/10/2022  291

Sinh hoạt học thuật định kỳ Bộ môn Lý luận chính trị: “Nâng cao chất lượng dạy và học môn Kinh tế chính trị Mác – Lênin tại trường Đại học Kinh tế & QTKD”

Sinh hoạt học thuật là hoạt động mang tính khoa học, nhằm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực sư phạm cho nhà giáo, góp phần tháo gỡ những khó khăn trong quá trình giảng dạy và thực hiện nhiệm vụ, trao đổi, cập nhật các thông tin mới, mang tính khoa học trong ngành nghề đào tạo; các vấn đề về phương pháp luận trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Sinh hoạt học thuật giúp giảng viên thâm nhập thực tế, phổ biến kiến thức khoa học phục vụ đời sống,  rút kinh nghiệm từ thực tế để phục vụ nâng cao chuyên môn.

Theo quy định sinh hoạt học thuật của Bộ môn thuộc các Khoa của Trường Đại học kinh tế và Quản trị kinh doanh thuộc, khi xây dựng kế hoạch năm học mới, Bộ môn Lý luận chính trị đã triển khai hoạt động sinh hoạt học thuật định kỳ về các nhóm môn phụ trách, các giảng viên từng nhóm môn sẽ chủ động chuẩn bị nội dung để đưa ra trao đổi theo lịch đăng ký, với những chủ đề gắn với đặc thù chuyên môn, các dịp kỉ niệm truyền thống cách mạng và những vấn đề cấp bách đặt ra từ thực tiễn giảng dạy.

Ngày 28 tháng 10 năm 2022, bộ môn Lý luận chính trị, Khoa Khoa học cơ bản đã tổ chức buổi Sinh hoạt học thuật tháng 10, buổi sinh hoạt chuyên môn định kỳ thứ 3 trong năm học 2022 – 2023 với chủ đề “Nâng cao chất lượng dạy và học môn Kinh tế chính trị Mác – Lênin tại trường Đại học Kinh tế & QTKD”. Buổi sinh hoạt học thuật diễn ra tại phòng Nghiên cứu tại nhà Hiệu bộ của trường, có sự tham gia đầy đủ của đại diện lãnh đạo khoa, lãnh đạo bộ môn và toàn bộ các giảng viên trong bộ môn.

         Để đi đến buổi sinh hoạt học thuật chính thức này, các giảng viên thuộc nhóm Kinh tế chính trị đã chuẩn bị từ các buổi họp nhóm trước đó, bàn bạc về chủ đề, các nội dung học thuật đưa ra trao đổi trong các cuộc họp nội bộ nhóm, từ đó đi đến thống nhất thực hiện trao đổi chuyên môn về hoạt động giảng dạy và học tập môn Kinh tế chính trị Mác – Lênin tại trường Đại học Kinh tế.

 

            Buổi sinh hoạt học thuật được chủ trì bởi TS. Phạm Thị Nga, trưởng bộ môn, đồng thời là trưởng nhóm môn Kinh tế chính trị. Mở đầu, cô Nga đã nêu rõ quá trình làm việc, lên ý tưởng, triển khai các hoạt động chuẩn bị với chủ đề nâng cao chất lượng dạy và học môn Kinh tế chính trị Mác – Lênin tại trường, đồng thời có liên hệ với bối cảnh giảng dạy môn học tại các trường bạn trong Đại học Thái Nguyên.

 

            Hai tham luận phục vụ cho chủ đề đề “Nâng cao chất lượng dạy và học môn Kinh tế chính trị Mác – Lênin tại trường Đại học Kinh tế & QTKD” được trình bày lần lượt bởi giảng viên Lê Thị Thu Huyền và Phạm Thị Hồng Nhung.

            Dạy và học ở hệ Đại học chính quy là một quá trình tương tác giữa giảng viên và đối tượng là sinh viên, để đạt được mục tiêu của môn học. Trong phạm vi của buổi sinh hoạt chuyên môn thường kỳ, Giảng viên Lê Thị Thu Huyền trình bày kết quả khảo sát quan điểm của các giảng viên dạy Kinh tế chính trị về các nhân tố có thể ảnh hưởng đến quá trình giảng dạy môn học gồm các nhóm vấn đề thường gặp: Các đặc điểm từ đội ngũ giảng viên (Trình độ chuyên môn, phương pháp giảng dạy); Các đặc điểm từ đối tượng sinh viên (Chất lượng đầu vào của sinh viên hệ đại học chính quy, Thái độ và ý thức học tập, Phương pháp học tập); Các đặc điểm về điều kiện giảng dạy (Giảng đường, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, hệ thống thông tin thư viện…); Các đặc điểm của quá trình tổ chức – quản lý hoạt động giảng dạy của nhà trường. Từ đó, tham luận tổng kết các vấn đề khó khăn mà cá nhân các giảng viên gặp phải, có thể nhận thấy vấn đề cơ sở vật chất vốn được đa số các giảng viên nhất trí ở mức độ đáp ứng các điều kiện cơ bản, là vấn đề cần giải quyết cấp thiết, đặc biệt với các giảng viên tại trường ĐH Kinh tế & QTKD. Các giảng viên cũng mong muốn về giảm tải chương trình, tổ chức lớp học ở quy mô phù hợp, có sự hỗ trợ quản lý sinh viên từ giáo viên chủ nhiệm và cố vấn học tập của các khoa chuyên môn được đề xuất. Cuối cùng, các giảng viên hướng đến sự chủ động tháo gỡ khó khăn, tích cực thực hiện các biện pháp tăng tính chủ động cho đối tượng sinh viên từ chính bản thân giảng viên đảm nhận giảng dạy môn học.

 

Tham luận của giảng viên Phạm Thị Hồng Nhung tập trung vào vấn đề “Tăng cường tính liên hệ thực tiễn cho sinh viên khi học môn Kinh tế chính trị Mác – Lênin”, dựa trên những nhận định và kinh nghiệm đúc rút trong quá trình giảng dạy môn học. Trong quá trình học tập, sinh viên ít khi chủ động đưa ra ví dụ liên hệ, minh họa; trong giờ thảo luận thì số sinh viên tích cực làm việc trong nhóm và vận dụng lý thuyết chính xác rất ít, tình trạng phổ biến là các nhóm sử dụng ví dụ trong giáo trình hoặc bài giảng của giảng viên. Trong bài thi kết thúc học phần, sinh viên cũng bỏ qua nội dung yêu cầu liên hệ, vận dụng thực tiễn trong các câu hỏi, dù hình thức thi là tự luận mở, phần liên hệ có mức điểm cao. Những giải pháp được đề xuất, trao đổi thực hiện từ phía giảng viên, bao gồm các hoạt động trong giờ lý thuyết, và những đổi mới, những biện pháp khuyến khích, khơi gợi tính chủ động sáng tạo đối với sinh viên trong giờ thảo luận, hướng tới hiệu quả liên hệ, vận dụng thực tiễn của sinh viên.

 

Phần thảo luận, trao đổi chuyên môn đã diễn ra sôi nổi, các thầy cô tham gia buổi sinh hoạt học thuật đã thẳng thắn chia sẻ kinh nghiệm bản thân từ thực tiễn giảng dạy và áp dụng các phương pháp, các hoạt động cụ thể cho sinh viên các lớp học phần của bộ môn. Từ đó, những biện pháp nâng cao hiệu quả dạy và học đã được đúc kết, các giảng viên có thêm tư liệu, kinh nghiệm để tiếp tục ứng dụng vào hoạt động chuyên môn.

 

 

Kết thúc buổi sinh hoạt học thuật, các giảng viên môn Kinh tế chính trị nói riêng, và toàn thể giảng viên bộ môn nói chung đều hi vọng sẽ tháo gỡ được những khó khăn trong giảng dạy môn Kinh tế chính trị Mác – Lênin, tích cực nâng cao chất lượng giảng dạy môn học cũng như hiệu quả giáo dục Lý luận chính trị nói chung trong thời gian tới.

                                                                               Bài và ảnh: Lê Thị Thu Huyền - BM LLCT


BÀI VIẾT LIÊN QUAN