Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh Doanh - ĐH Thái Nguyên

Sinh hoạt học thuật định kỳ Bộ môn Lý luận chính trị:

 30/12/2022  373

Sinh hoạt học thuật định kỳ Bộ môn Lý luận chính trị:  “Logic quá trình sinh thành và sự vận động của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên từ góc nhìn triết học biện chứng duy vật

Sinh hoạt học thuật là hoạt động mang tính khoa học, nhằm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực sư phạm cho nhà giáo, góp phần tháo gỡ những khó khăn trong quá trình giảng dạy và thực hiện nhiệm vụ; trao đổi, cập nhật các thông tin mới, mang tính khoa học trong ngành nghề đào tạo; các vấn đề về phương pháp luận trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học. SHHT giúp thâm nhập thực tế, phổ biến kiến thức khoa học phục vụ đời sống, rút kinh nghiệm từ thực tế để phục vụ nâng cao chuyên môn.

Thực hiện kế hoạch công tác năm học 2022 – 2023,  bộ môn Lý luận chính trị, Khoa Khoa học cơ bản đã tổ chức buổi Sinh hoạt học thuật tháng 11. Đây là buổi sinh hoạt chuyên môn định kỳ thứ 4 trong năm học 2022 – 2023 do nhóm môn Triết học Mác – Lênin và Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam phụ trách với chủ đề “Logic quá trình sinh thành và sự vận động của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên từ góc nhìn triết học biện chứng duy vật”. Buổi sinh hoạt học thuật diễn ra tại phòng Nghiên cứu tại nhà Hiệu bộ của trường, có sự tham gia của đại diện lãnh đạo khoa, lãnh đạo bộ môn và các giảng viên trong bộ môn.

Chuẩn bị cho buổi sinh hoạt học thuật lần thứ 4 này, nhóm môn Triết học Mác – Lênin và Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có các buổi xêmina trao đổi nội dung cũng như tiếp nhận sự góp ý quan trọng từ phía các thầy, cô trong bộ môn.

Mở đầu của buổi sinh hoạt học thuật là phát biểu chỉ đạo của TS. Trần Huy Ngọc – Phó trưởng khoa Khoa học cơ bản. Thầy Ngọc đã khẳng định tầm quan trọng của công tác sinh hoạt học thuật, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thực tiễn có nhiều chuyển biến phức tạp. Đáp ứng yêu cầu của công việc giảng dạy mang tính đặc thù của bộ môn Lý luận chính trị, để tạo hứng thú học tập cho sinh viên cũng như góp phần hình thành lập trường chính trị cho lớp thanh niên trẻ tuổi này thì bên cạnh đổi mới phương pháp giảng dạy, đội ngũ cán bộ giảng viên luôn cần chủ động cập nhật kiến thức chuyên môn và phương pháp nghiên cứu khoa học. Nội dung mà nhóm môn Triết học Mác – Lênin và Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam chuẩn bị cũng nhằm mục đích đó.

Tham luận “Logic quá trình sinh thành và sự vận động của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên từ góc nhìn triết học biện chứng duy vật” được thầy Trần Văn Giảng và cô Nguyễn Thị Như Quỳnh kết hợp trình bày.

Dựa trên hệ thống Phương pháp luận của triết học Mác – Lênin và phương pháp nghiên cứu khoa học nói chung, thầy Giảng tiến hành làm rõ logic những điều kiện quốc tế thời kỳ cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX tác động tới việc sinh thành Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Theo đó, khi bản chất của Chủ nghĩa tư bản được phổ biến hóa thì xã hội Việt Nam cũng mang hình dạng của xã hội tư sản. Hệ quả là bên cạnh những giai cấp cũ, xã hội Việt Nam xuất hiện những giai tầng mới cùng những mâu thuẫn mới nảy sinh. Và tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ra đời từ mâu thuẫn ấy và nhằm giải quyết mâu thuẫn ấy. Như thế nghĩa là Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên mang tính chất dân tộc bên cạnh bản chất giai cấp công nhân.

Tiếp nối phần trình bày của thầy Giảng, cô Quỳnh đại diện nhóm môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam làm rõ logic vận động của những điều kiện, tiền đề trong nước dẫn đến sự sinh thành Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên mà cụ thể thể là Logic vận động của chính trị - tư tưởng dẫn đến sự ra đời của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên và Logic vận động về mặt tổ chức dẫn đến sự sinh thành của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên

                                                                   

Kết thúc bài tham luận là nội dung Logic vận động của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên được thầy Giảng tiến hành phân tích. Có thể thấy, Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ra đời là sự tiếp nối sự vận động logic của chính trị - tư tưởng và tổ chức, trong đó có sự kế thừa tính chất dân tộc, có bản chất khác biệt là bản chất giai cấp công nhân, có tính chất nhân bản của xã hội tương lai. Logic vận động của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên chính là sự biến đổi về lượng của các tầng chất trên, đặc biệt là tầng bản chất giai cấp công nhân. Khi đạt tới điểm nút sẽ dấn đến quá trình chuyển hóa Hội thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

                                                                    

Phần thảo luận, trao đổi chuyên môn đã diễn ra sôi nổi, các thầy cô tham gia buổi sinh hoạt học thuật đã thẳng thắn chia sẻ những nội dung kiến thức liên quan đến chủ đề của buổi sinh hoạt học thuật. Từ đó, hướng tới gợi mở cho nhóm giảng viên môn Triết học Mác -Lênin và Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam hướng nghiên cứu mới ở nhiều cấp độ khác nhau.

                                                              

Sau một thời gian làm việc nghiêm túc và tích cực, buổi sinh hoạt học thuật khép lại với  nhiều hướng nghiên cứu mới được đưa ra. Từ đó, tạo tiền đề thuận lợi cho những buổi sinh hoạt học thuật tiếp theo cũng như góp phần tạo động lực nghiên cứu khoa học cho các thầy, cô trong bộ môn trong thời gian tới.

 

Bài và ảnh: Nguyễn Thị Như Quỳnh và Tạ Bích Huệ.


BÀI VIẾT LIÊN QUAN