CHUYẾN CÔNG TÁC CỦA BỘ MÔN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ - KHOA KHOA HỌC CƠ BẢN (THÁNG 7/2023)
08/08/2023Căn cứ theo QĐ số 875/QĐ-ĐHKT&QTKD-HCTC ngày 21 tháng 7 năm 2023 của Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế & QTKD về việc cử giảng viên tham gia chương trình thực tế, bộ môn Lý luận Chính trị (BM LLCT) do đồng chí Phạm Thị Nga – Trưởng Bộ môn làm Trưởng đoàn khởi hành chuyến đi đến những địa chỉ Đỏ, về với quê hương của mẹ Suốt và một địa danh mà cả con người và mảnh đất khô cằn nơi ấy đều “hoá anh hùng”.
Quảng Trị là điểm dừng chân đầu tiên của đoàn thực tế. Tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn (Huyện Gio Linh - Tỉnh Quảng Trị): Đây là chốn yên nghỉ của 10.263 liệt sĩ (trong đó có hơn 80 % là thanh niên tuổi đời từ 18 đến 22 tuổi), ở 10 khu vực chính với diện tích mộ là 23.000m2. Sau nghi lễ dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của cả nước, các thành viên trong Đoàn di chuyển đến khu phần mộ của các liệt sĩ vô danh, rồi nơi an nghỉ của những liệt sĩ thuộc Bộ Giáo dục – đào tạo phục vụ chiến trường.
Được sự chỉ dẫn của Ban quản lý nghĩa trang, đoàn đến với khu vực các liệt sĩ quê Thái Nguyên – Bắc Kạn. Giữa không gian thiêng liêng và xúc động, khi đứng trước những ngôi mộ nằm cạnh nhau, trải dài trên đồi núi mênh mông, lòng mỗi người như lắng lại, bồi hồi cảm phục về tinh thần yêu nước, sự quả cảm và ý chí bất khuất kiên cường của những người lính Trường Sơn năm xưa đã không tiếc tuổi thanh xuân, cống hiến máu xương vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì sự trường tồn của Tổ quốc.
Địa điểm thứ 2 trong chuyến công tác là Thành cổ Quảng Trị (Thị xã Quảng Trị - Tỉnh Quảng Trị).
Rời Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, đoàn thực tế đến dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị - Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nằm giữa trung tâm thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị.
Trong chiến dịch Xuân - Hè (1972), Thành cổ Quảng Trị là “người lính đi đầu”. Trên một diện tích chưa đầy 4 km2 phải hứng chịu số lượng bom, đạn pháo các loại với sức công phá tổng cộng gấp 7 lần quả bom nguyên tử mà người Mỹ đã ném xuống Hirôsima (Nhật Bản) trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Số quân Mỹ - Ngụy ở Quảng Trị vào thời điểm cao nhất gấp 3 lần số dân của tỉnh. Cả một thị xã sầm uất đã thành đống tro tàn. Với ý chí “bộ đội còn, Quảng Trị còn”, “Một tấc không đi, một ly không rời”, những chiến sĩ tuổi mười tám, đôi mươi ngày ấy đã gác lại những ước mơ và hoài bão, họ xếp bút nghiên rời giảng đường đại học theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc vào chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị, có người mãi mãi để lại tuổi thanh xuân nơi dòng Thạch Hãn, máu các anh đã in hình sóng nước. Cùng với lực lượng vũ trang địa phương, dân quân du kích và nhân dân vùng Triệu Phong, các đơn vị bộ đội của ta đã đẩy chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của Đế quốc Mỹ đến bờ vực phá sản. Từ đó, góp phần đắc lực tạo ưu thế cho phái đoàn Việt Nam trên bàn đàn phán ở Pari.
Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau vẫn còn đó. Ngày hôm nay, trong từng nhành cây, ngọn cỏ, viên gạch đều thấm đẫm máu và da thịt các chiến sĩ bộ đội và đồng bào Quảng Trị. “Mỗi mét vuông đất mà các chiến sĩ ta giành được ở Thành Cổ Quảng Trị thực sự là một mét vuông máu”. Đoàn thực tế đi tới dâng hương các anh hùng, liệt sĩ tại đài tưởng niệm trung tâm, cũng chính là ngôi mộ tập thể duy nhất và lớn nhất Thành cổ. Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của các anh, các chị - Những người đã không tiếc máu xương của mình vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, vì mục tiêu thống nhất non sông của dân tộc…
Địa điểm thứ ba mà đoàn công tác dừng chân là sông Bến Hải và cầu Hiền Lương. Đây là hai “nhân chứng lịch sử” mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước thành hai miền Nam Bắc trong suốt thời kì chiến tranh. Vì là nơi chia cắt nên cầu Hiền Lương cũng là biểu tượng cho “Khát vọng thống nhất” non sông không thể nguôi trong suốt 20 năm trường. Hiện nay, cầu Hiền Lương đã được phục chế nguyên trạng 2 màu sơn xanh và vàng, như từng tồn tại trong lịch sử.
Điểm dừng chân tiếp theo của đoàn thực tế khi đến Quảng Bình là tượng đài mẹ Suốt (TP Đồng Hới – Tỉnh Quảng Bình)
Tượng đài mẹ Suốt chính được nhân dân Quảng Bình dựng lên ngay tại chính nơi nữ anh hùng Nguyễn Thị Suốt đã ra đi. Mẹ Suốt chính là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và cũng là minh chứng hùng hồn nhất, thuyết phục nhất cho hình ảnh “con gái Quảng bình khí phách đọ Trường Sơn”.
Mẹ sinh năm 1906 tại đất Quảng Bình giàu tình người và yêu nước. Năm 1967, mẹ Nguyễn Thị Suốt đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1968, mẹ Suốt đã dũng cảm hy sinh khi vận chuyển đò trong trận mưa bom oanh tạc của máy bay Mỹ.
Vũng Chùa – Đảo Yến - nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là điểm đến tiếp theo của đoàn công tác trong chuyến đi thực tế lần này. Đây là khu vực có khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, hoang sơ, lưng tựa núi Thọ Sơn, mặt hướng ra biển Đông hùng vĩ với nhiều đảo nhỏ như hòn La, hòn Gió, hòn Nồm (đảo Yến). Phần mộ đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm tại Mũi Rồng – mũi đất vươn ra biển, đối diện với đảo Yến. Bình yên, giản dị nhưng trang trọng và linh thiêng, đó là cảm nhận của cả đoàn công tác khi đến thăm mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Phần mộ Đại tướng bình dị như chính phong cách người lính, chất phác, giản dị.
Trong suốt 36 năm cầm quân (1944 -1980) đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lần lượt đọ sức và đánh thắng 4 đại tướng Pháp, 6 đại tướng Mỹ và nhiều viên đại tướng của chính quyền Việt Nam Cộng hoà. Năm 1984, Tân Bách khoa toàn thư Anh quốc (The new Encyclopedia Britannica), một trong những bách khoa thư đồ sộ nhất thế giới đã bình chọn Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong 10 vị tướng kiệt xuất của thế giới.
Trước anh linh của Đại tướng, các thành viên trong đoàn tiến hành dâng hoa và những nén hương để bày tỏ niềm thành kính, biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của vị Tổng tư lệnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, người đã hiến dâng cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Dù Đại tướng đã đi xa nhưng Ông vẫn còn sống mãi với dân tộc Việt Nam, non sông Việt Nam.
Địa điểm thứ sáu mà đoàn thực tế đến là Khu di tích Kim Liên, Nghệ An. Nơi đây lưu giữ những hiện vật, tài liệu, không gian văn hóa - lịch sử về thời niên thiếu của Bác Hồ và những người thân trong gia đình Bác. Toàn bộ Khu Di tích Kim Liên rộng hơn 205 ha với nhiều điểm di tích, trong đó nổi bật là cụm di tích Hoàng Trù – quê ngoại và cụm di tích làng Sen – quê nội của Hồ Chủ Tịch.
Theo thuyết minh của hướng dẫn viên, đoàn công tác đến ngôi nhà của cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Ngôi nhà in dấu kỉ niệm về một thời niên thiếu của cậu bé Nguyễn Sinh Cung. Qua tiếng ru hời của bà, của mẹ; lời dạy bảo ân cần của cha… đã góp phần hình thành nên một nhân cách Hồ Chí Minh sau này. Nếu như cụm di tích Hoàng Trù là nơi người con thứ ba của cụ Nguyễn Sinh Sắc cất tiếng khóc chào đời, qua từng lời ru của mẹ bên khung cửi đã hun đúc tình yêu nước cho cậu bé Nguyễn Sinh Cung thì Làng Sen – quê cha là nơi khởi nguồn ý chí cứu nước cho người thiếu niên Nguyễn Tất Thành.
Chuyến thăm quê Bác đã kết thúc hành trình tiếp nối truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” đồng thời cũng phục vụ công tác tìm hiểu, nghiên cứu các địa danh lịch sử nhằm nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy các môn Lý luận Chính trị tại trường Đại học Kinh tế & QTKD – ĐH Thái Nguyên. Đội ngũ giảng viên BM LLCT nguyện cống hiến hết mình, mang ngọn lửa nhiệt huyết, lòng yêu nước và tinh thần dân tộc đến với các bạn trẻ sinh viên trường Đại học Kinh tế & Quản trị kinh doanh nói riêng và sinh viên trong toàn Đại học Thái Nguyên nói chung để cùng nhau phấn đấu vì một Việt Nam phát triển – phồn vinh - hạnh phúc.
Dưới đây là một số hình ảnh của đoàn công tác trong chuyến đi thực tế này:
Các Giảng viên BM LLCT đến dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn (Huyện Gio Linh – Tỉnh Quảng Trị)
Các giảng viên BM LLCT đến dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị (Thị xã Quảng Trị- Tỉnh Quảng Trị
|
Cầu Hiền Lương – Sông Bến Hải
Cột cờ bên bến Hiền Lương
Nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Đoàn công tác thắp hương viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Các giảng viên BM LLCT đi thực tế tại Khu di tích Kim Liên, Nghệ An
Các giảng viên BM LLCT đi thực tế tại Khu di tích Kim Liên, Nghệ An
Th.S Nguyễn Thị Như Quỳnh – Bộ môn Lý luận Chính trị
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
+ HỘI THẢO "KHAI MỞ TIỀM NĂNG GIẢNG DẠY VÀ HỌC TẬP VỚI TRÍ TUỆ NHÂN TẠO" THÀNH CÔNG TỐT ĐẸP
+ Tổ chức thành công Đại hội Chi đoàn Khoa Khoa học cơ bản nhiệm kỳ 2024 - 2027
+ Bộ môn Lý luận chính trị - Khoa Khoa học Cơ bản đưa sinh viên đi thực tế tại Bảo tàng Lực lượng vũ trang Việt bắc - Quân khu 1
+ Bộ môn Lý luận chính trị tổ chức thành công sinh hoạt học thuật với chủ đề “Lạm phát và vấn đề kiểm soát lạm phát ở Việt Nam hiện nay”